Đây là câu chuyện của một bạn trẻ bị bắt giữ tuỳ tiện và bị công an đánh hội đồng - thực chất là tra tấn - suốt từ 2h chiều đến 7-8h tối chủ nhật, 17/6, ở sân vận động công viên Tao Đàn (quận 1, TP. HCM). Vì bạn còn rất trẻ, không phải người hoạt động dân chủ-nhân quyền, cũng không hề có nhu cầu được “nổi tiếng” theo cách nghĩ thường lệ của dư luận viên và an ninh, nên trong câu chuyện, bạn xin giấu mọi thông tin về nhân thân.
——
Khi em mở mắt ra thì thấy mình đã nằm trên giường bệnh. Xung quanh không còn bóng an ninh nào. Một cô bé y tá đi đến, em hỏi mới biết đây là phòng cấp cứu bệnh viện Bộ Công an, và lúc đó là khoảng 12h đêm. Thế nghĩa là chúng đã đánh em liên tục từ 2h chiều cho tới khi em bất tỉnh thì quẳng em vào đây và... chuồn mất để khỏi phải chịu trách nhiệm gì. Nhưng cũng rất có thể là chúng còn canh gác đâu đó phía dưới sảnh.
Bệnh viện đòi viện phí 2 triệu. Em sờ lại người thì may quá, chúng để lại cái bóp với hơn 100.000 đồng. Ngoài ra chẳng còn gì. Điện thoại đã bị lấy mất. Số liên lạc của gia đình nằm trong điện thoại. Đến đôi giày cũng mất tiêu - chúng đã lột giày em ra và dùng chính đôi giày ấy táng hàng trăm cái vào đầu, cũng như dùng dùi cui liên tục giã nát hai bàn chân em. Khắp người em đầy vết thâm tím, vết rách, chỉ cựa nhẹ cũng đã thấy đau.
Em nói em muốn về nhà. Bác sĩ không cho, bảo là cần phải xem em có bị tụ huyết trong não, chấn thương sọ não không (không biết vì ông sợ bệnh nhân gặp chuyện gì hay vì sợ mấy bạn công an có thể đâu đó ngoài kia). “Cậu về mà chết giữa đường là tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy”. Nhưng em cũng làm gì có đủ tiền mà nộp viện phí. Đầu em đau nhức, váng vất. “Em không sao đâu. Em chỉ muốn về nhà, muốn ngủ thôi, với lại cũng phải báo cho người thân yên tâm”. Em nói vậy. Nhìn bộ dạng em với khuôn mặt phù, mắt tím bầm như gấu trúc, môi rách và sưng phù lên như trái cà, cô bé y tá có lẽ cũng thương nên thì thào: “Thôi anh đi đi. Coi như anh trốn viện”. Cô ấy dẫn em qua một cửa nhỏ, theo một lối đi riêng, kín đáo ra khỏi bệnh viện.
Em lết từ taxi về tới cổng nhà rồi ngồi sụp luôn trước cửa. Lúc đó khoảng 1h sáng.
* * *
Cách đó nửa ngày, vào khoảng 1h chiều chủ nhật 17/6, em rời nhà ra quận 1 chơi. Khu trung tâm Sài Gòn chưa bao giờ đông công an và dân phòng như thế. Vỉa hè, quán cafe đầy nghẹt những tốp công an áo xanh, dân phòng đeo băng đỏ, và những thanh niên cao to, mặt mày hung dữ. Họ bắt người liên tục; gần như cứ thấy ai cầm điện thoại đi ngang là xông vào bắt. Thậm chí họ vào tận quán cafe để khám xét giấy tờ và lôi khách ra ngoài, bắt đem đi. Không khí ngột ngạt, căng thẳng. Chưa bao giờ em thấy Sài Gòn căng thẳng như thế. Như thời chiến, với toàn xã hội là một trại lính, công an trộn lẫn với dân và có thể toàn quyền chặn bắt, khám xét giấy tờ, hốt về đồn bất kỳ ai.
Em ghé quán cafe mua một ly đem đi, rồi vào phố sách. Đường sách hôm nay hình như không hoạt động. Em đi được vài mét thì bị một nhóm công an chặn lại; có lẽ họ đã “tia” được em từ lúc nào không hay. Họ hỏi giấy tờ. Xui cho em là em chỉ tính đi cafe nên không mang giấy tờ gì theo. Họ quát bảo em gọi người thân mang giấy đến. Em cầm điện thoại gọi về nhà, chỉ vừa nói được câu “con bị bắt”, thì một người đã chộp lấy và giật tung điện thoại khỏi tay em. Em kêu lên, nhưng cả đám đẩy em vào xe, phóng đi.
Chúng đưa em vào một khu nhà tập ở sân Tao Đàn. Xung quanh la liệt người, già trẻ nam nữ, có cả mấy cô gái áo dài, chắc là hướng dẫn viên du lịch. Sau này em mới biết, hôm đó công an Thành phố đã bắt tới 179 người, gom về Tao Đàn. Trong số đó, có cả khách du lịch, hướng dẫn viên, và những bác già đi tập thể dục. Tất cả đều bị bắt, và kinh khủng hơn, đều bị đánh.
Chúng đưa em vào một căn phòng, moi điện thoại em ra, hất hàm: “Mật khẩu?”. Em đáp: “Sao các anh lấy điện thoại của tôi?”. “Bộp” - câu trả lời là một cú đấm thẳng vào mặt em. Sau đó là liên tiếp những cái tát. Em vẫn không đưa mật khẩu. Chúng nắm tóc, dúi đầu em xuống mặt bàn, đấm tới tấp vào hai mang tai. Rồi chúng bảo nhau rằng thằng này bướng, mang nó qua phòng kia.
Thì ra cả phòng em chỉ có mình em không khai mật khẩu điện thoại cho chúng, nên chúng “sàng lọc”, đưa đối tượng cứng đầu sang phòng riêng để tiện bề tra khảo.
Ngay sau đó, khi đưa em sang một căn buồng khác, chỉ còn mình em, chúng xông vào ra đòn ngay. Hai chục thanh niên cao to, cả sắc phục và thường phục, vây lấy em, đánh hội đồng bằng dùi cui, gậy và tất nhiên, chân tay. Em ngồi bệt trên sàn, co người lại, hai tay ôm đầu. Hai thằng bèn bẻ tay em ra sau, để cho đám còn lại đấm như mưa vào mặt. “Đù má, lì hả mày” - chúng vừa đánh vừa chửi.
Chúng cho gọi mấy kỹ thuật viên vào phá password. Trong lúc kỹ thuật viên làm việc, khoảng 15-20 phút, chúng đánh em không ngơi tay. Có mấy an ninh nữ rất xinh gái cũng bạt tai em liên tục đến độ em chỉ còn thấy trước mắt một màu nhờ nhờ trắng. Một lão an ninh già, khoảng ngoài 60 tuổi, vụt dùi cui rất dữ. Nghĩa là đánh em có đủ thành phần an ninh, nam phụ lão ấu.
Rồi kỹ thuật viên cũng phá được khoá máy (iPhone 5s), và đám an ninh hả hê: “Đù, mày tưởng ngon hả, tưởng tụi tao không mở được điện thoại mày hả?”. Chúng còng tay em lại, đánh càng dữ hơn, vừa đánh vừa “điều tra” về từng người trong contacts của em. “Thằng này là thằng nào?”. “Là bạn Facebook của tôi”. “Mày gặp nó chưa? Làm gì?”. “Tôi gặp uống cafe”. “Gặp đâu, hồi nào?”. “Tôi không nhớ”. “Đù má, không nhớ này. Không nhớ này”.
Cứ mỗi từ “không nhớ” hay “không biết” mà em nói, chúng lại lấy gậy sắt dộng mạnh vào hai bàn chân em. Mu bàn chân em sưng phồng lên, mặt em chắc cũng vậy. Một thằng túm tóc kéo giật đầu em ra, và chúng phun nước miếng vào mặt em. “Tao ghét cái từ không biết hay không nhớ lắm nha. Mày còn nói mấy từ đó nữa, tao còn đánh”.
“Con này con nào?”. “Bạn tôi”. “Bồ mày hả? Mày chịch nó chưa? Bú l. nó chưa mày?”. Không còn một từ gì tục tĩu nhất mà chúng không dám phun ra miệng.
Chúng tháo giày em ra và cầm luôn đôi giày đó quật vào mặt em. “Dạng chân ra” - chúng quát. Em sợ bị đánh vào hạ bộ nên càng co người lại. Nhưng may thay chúng không đánh vào chỗ đó, chỉ lột áo quần em ra đấm đá vào bụng, ngực, và rít lên: “Mày có tin là bọn tao có thể treo mày lên mà đánh như đánh một con chó không?”.
Một lát, chúng nghỉ. Em bò lết lên tấm nệm mút đặt sẵn ở đó (trong phòng tập, cho vận động viên). Một thằng quát: “Đù. Mày đòi được nằm nệm ấy hả?”. Rồi chúng nắm chân em lôi xuống sàn, tiếp tục đánh hội đồng, giẫm đạp. Cứ như thế.
Rất lâu sau, có lẽ khi trời đã xế chiều, chúng vẫn chưa ngừng còn em thì đã không mở được mắt ra nữa. Khi trời tối hẳn thì em bắt đầu rơi vào trạng thái lơ mơ. Chúng nắm tóc, kéo tay, thảy em ra ngoài nằm chung giữa một đám người. Em chỉ nghe tiếng lao xao, và sau đó là tiếng la khóc. Rất nhiều người khóc, không hiểu khóc cái gì. Em cố mở mắt, và nhận ra là mọi người khóc vì em. Quanh em la liệt người, có lẽ ai cũng bị đánh vì nhiều người mặt sưng húp. Mấy bác già cũng bị đánh. Nhưng ai cũng nhìn em, khóc như mưa. Họ bảo nhau: “Lấy đồ che cho thằng bé đi”. Thế là một loạt áo được truyền tới, đắp phủ lên mình em.
Sao mà giống cảnh tù Côn Đảo - như trong văn học và lịch sử “cách mạng” viết quá vậy? Nhưng khác hẳn ở một điểm, là ở đây, đám công an con cháu của thế hệ “cách mạng” chống “Mỹ ngụy” năm xưa giờ đã hiện nguyên hình là một lũ ác ôn, thẳng tay khủng bố dân để bảo vệ đảng độc tài phản quốc. Ác ôn cộng sản.
Có một cô lớn tuổi bước đến, gối đầu em lên đùi cô, xoa dầu lên trán em, nắm tay em và khóc rưng rức. Em không sao mở to nổi mắt để nhìn rõ mặt cô, chỉ thấy nhờ nhờ. Em cố mấp máy đôi môi đã sưng vều: “Cô. Cô đừng khóc nữa. Cô khóc con khóc theo đó”. Em muốn nói thêm, “mà con không muốn tụi nó thấy mình khóc”, nhưng không thở được nữa nên không nói nổi.
Nghe loáng thoáng mọi người nói: “Sao chúng nó đánh thằng nhỏ dữ vậy trời?”. Thấy không khí căng quá, ai cũng thương em, sợ mọi người “nổi loạn”, đám công an lại sầm sập chạy lại, kéo em ra. Cô lớn tuổi đang xoa dầu cho em khóc rất nhiều và la: “Mấy người còng tay tôi đi, tha cho thằng nhỏ, đánh nó chết rồi sao?”.
Em cố mở mắt ra để nhìn và nhớ gương mặt cô. Nhưng hoàn toàn không thể, lúc đó đầu óc em đã mụ mị rồi. Đám công an ném em lên xe, về sau em mới biết là chúng đưa em đi bệnh viện cấp cứu. Mọi người giữ em lại, chúng giằng ra. Có mấy người che cho em để khỏi bị đánh tiếp. Mặc, chúng vẫn lôi em đi. Cô lớn tuổi kia chạy theo em ra xe, nhưng chúng bịt miệng, kéo cô ra ngoài. Cửa xe sập lại. Em nghe một thằng chửi vọng: “Đù má thằng này. Mày diễn hay lắm. Mày diễn cho cả đám tụi nó khóc hả?”.
Sau đó em không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, em đã ở trong bệnh viện, nhưng cũng chưa được điều trị gì vì... chưa đóng viện phí.
* * *
Đêm đó em nằm li bì. Sáng sớm hôm sau em vào viện khám lần nữa. Quá may mắn, em chỉ bị công an đánh cho đến đa chấn thương thôi chứ chưa bị chấn thương sọ não. Và hai ngày nay, liên miên anh em, bạn bè đến thăm em. Ai cũng thương em, cho tiền, cho quà bánh rất nhiều.
Nhưng em vẫn nhớ những người đã ôm lấy em, che đòn cho em, và cởi áo phủ lên em vào ngày chủ nhật ấy. Nhất là cô đã đặt em gối đầu lên chân cô - như đứa con với mẹ - và xoa dầu cho em, và cầm tay em, và khóc. Em muốn ghi nhớ nét mặt cô mà không nhìn được nên không nhớ nổi. Đến tên cô, em cũng chẳng biết. Em chẳng nhận ra được ai trong số những người bị đánh hôm đó, những người đã che chở, bảo vệ, động viên em trong những giờ phút kinh khủng nhất, cùng chia sẻ với nhau nỗi đau đớn của những người dân vô tội, bị công an giam giữ vô luật và đánh như đánh kẻ thù.
Trong lúc bị đòn hội đồng, em không nhớ nổi gương mặt ác quỷ nào, nhưng cũng kịp nhìn thấy một phù hiệu trên ngực áo của một công an, ghi tên Nguyễn Lương Minh. Chúng không hề biết em là ai, chỉ vì em không khai password điện thoại mà chúng còn đánh em như vậy; không hiểu những người bị chúng coi là “biểu tình viên”, “nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền”, “nhà bất đồng chính kiến”, thì nếu vào tay chúng, chúng còn hành hạ họ tới mức nào. Và còn hàng trăm người bị bắt bừa bãi hôm đó nữa, cả những bác già, những sinh viên trẻ măng, tinh khôi, những hướng dẫn viên du lịch áo dài...
Qua đây em cũng muốn hỏi thông tin về cô - người phụ nữ đã khóc rất nhiều vì em hôm ấy. Lúc đó là khoảng 7-8h tối chủ nhật 17/6, ở một căn phòng nào đó trên sân vận động công viên Tao Đàn.
No comments
Post a Comment