Giới phân tích và nghiên cứu những ngày này đưa ra những dự đoán khác nhau về người sẽ kế nhiệm ông Quang. Ba ủy viên Bộ Chính trị được xem là ứng cử viên sáng giá gồm có ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Một khả năng cũng được xem là rất có thể diễn ra là Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng sẽ nắm cả chức chủ tịch nước, theo một số nhà quan sát, nhà phân tích, hay nói cách khác, việc nhất thể hóa hai chức vụ lãnh đạo hàng đầu Việt Nam có thể sẽ diễn ra sớm.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận đưa ra nhận định với VOA:
“Theo suy đoán của tôi, người có khả năng thay vào chỗ đó tốt nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì trong thời gian vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt đảng, nhà nước Việt Nam đã thăm các nước, đặc biệt là các cường quốc. Và trong các cuộc hội nghị gần đây, ông xuất hiện ở vị trí rất quan trọng”.
Luật sư Thuận cho rằng ông Trọng đã thể hiện tốt vai trò là người lãnh đạo hàng đầu Việt Nam trong các cuộc gặp gỡ song phương hoặc hội nghị quốc tế ở Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu và ASEAN.
Song ông Thuận nói rằng quan trọng hơn so với các hình ảnh đối ngoại là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắm đến củng cố kiểm soát quyền lực, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021.
Mỗi kỳ đại hội là dịp đảng quyết định về các nhân sự lãnh đạo chủ chốt và các chính sách lớn của đất nước trong 5 năm tiếp theo.
Ông Thuận phân tích rằng trong bối cảnh như vậy, kết hợp với cuộc đấu tranh chống tham nhũng do ông Trọng đứng đầu đang được đẩy mạnh, người sẽ là chủ tịch nước tiếp theo không còn mang tính hình thức nữa mà sẽ “cực kỳ quan trọng”.
Ông nói thêm:
“Theo những nguồn mà tôi tiếp cận, quen biết và cảm nhận được, rõ ràng người ta đã thấy đã đến lúc hợp nhất hai chức đó lại, cũng như ở cấp địa phương đã hợp nhất chức bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân, hay có nơi bí thư kiêm luôn chủ tịch ủy ban nhân dân”.
No comments
Post a Comment