BREAKING NEWS
latest

9 tỷ đô la ngân sách "bốc hơi", chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ xử lý thế nào?

Ý kiến chuyên gia kinh tế rằng không loại trừ khả năng chính phủ Việt Nam nguy cơ vỡ nợ nếu không kiểm soát tốt chi phí và nợ công.

"Chúng ta vay nước ngoài rất nhiều. Gần một nửa số nợ công của chính phủ Việt Nam là nợ nước ngoài. Nếu không kiểm soát được thì đến một lúc nào đó sẽ đưa nền kinh tế vào khủng hoảng," Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC hôm 17/10.

Ông Hiếu nói việc một nước trong giai đoạn phát triển đi vay để chi cho các nhu cầu hiện tại, rồi hoàn trả bằng các thu nhập trong tương lai, là chuyện bình thường và cần thiết.

"Nhưng phải ở trong một giới hạn có thể kiểm soát được. Còn nếu vay quá nhiều, sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao thì có thể dẫn đến vỡ nợ."

Theo con số Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội Việt Nam, ngân sách quốc gia năm 2018 thâm hụt 9 tỷ đô la, theo VnExpress.

"Có một vài mức mà có lẽ mọi người quan tâm. Trước hết, cho đến năm 2020 thì Việt Nam phải giảm thiểu bội chi ngân sách xuống dưới 3,5% GDP. Hiện tại mức bội chi ngân sách của Việt Nam ở vào khoảng 3,6-3,7%."

"Tiếp đó là nợ công của chính phủ, kể cả trong nước và nước ngoài, không được vượt quá 65% GDP. Hiện tại số nợ công của Việt Nam vẫn dưới mức này nhưng nếu không kiểm soát tốt thì dễ dàng cao hơn trong những năm tới."

"Với hai mục tiêu này, hiện tại Việt Nam đang kiểm soát được nhưng không có nghĩa chính phủ Việt Nam được lơ là, chủ quan mà không có kế hoạch giảm nợ công và giảm bội chi ngân sách," Tiến sỹ Hiếu nói

'Cần thắt chặt chi tiêu, giảm nợ công'
Bản quyền hình ảnh: HOANG DINH NAM 

Theo tính toán của Tiến sỹ Hiếu, hiện với mức thâm hụt ngân sách 9 tỷ đô la, và GDP đầu người Việt Nam vào khoảng 2500 đô la/năm, thì nhà nước hiện bội chi ngân sách khoảng 4%.

"Đối với thu nhập hiện nay của người dân, con số 4% này là khá lớn, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để có thể đạt các mục tiêu nêu trên."

Ông Hiếu nói nếu chỉ nhìn trên con số thì hiện chưa đáng lo ngại cho Kinh tế Việt Nam.

"Mức bội chi này chưa vào lằn ranh của rủi ro lớn, nhưng nó đang ngấp nghé nếu không kiểu soát được tốt trong vòng 5 năm tới."

"Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam còn rất nhỏ, dễ bị tổn thương bởi những biến cố trên thế giới, sức đề kháng còn kém và đang dựa rất nhiều vào xuất khẩu."

Ông Hiếu cho rằng chính phủ cần giảm chi phí thường xuyên, ví dụ cắt bỏ mạnh tay các khoản chi hành chính không cần thiết, chi cho xe cộ của cán bộ, chi cho các phái đoàn ra nước ngoài.

Ngoài ra, cần kiểm soát chi phí đầu tư, đặc biệt với các dự án chỉ định nhà thầu do đút lót, khiến chi phí gói thầu bị đẩy lên cao.

Bên cạnh đó, việc thất thu thuế từ các doanh nghiệp FDI có vốn nước ngoài cũng cần phải rà soát lại.

Đối với vấn đề nợ công, ông Hiếu nói con số này của Việt Nam đang ngày càng lớn. Nhưng điều đáng lo ngại là chính phủ có thể rơi vào "ảo tưởng vẫn kiểm soát nợ công tốt."

"Đó là do nợ công năm nào cũng tăng nhưng GDP cũng ngày càng lớn mỗi năm. Do đó ta vẫn luôn trong vùng an toàn là dưới 65% về mặt con số", Tiến sỹ Hiếu giải thích.

"Để không rơi vào tình trạng ảo tưởng này, chính phủ cần đưa ra một con số tuyệt đối, ví dụ bao nhiêu triệu tỷ VNĐ, để nếu nợ công chạm tới con số này thì Quốc Hội phải đưa ra bàn, chính phủ phải có giải pháp - như Mỹ đã làm," chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.
'Thế hệ sau có thể phải trả giá cao'Bản quyền hình ảnh

Chuyên gia kinh tế nói với BBC rằng về mặt ngắn hạn, người dân Việt Nam không phải lo ngại về an toàn cho tài sản của mình.

"Về ngắn hạn, người ta không nhìn thấy tình trạng đất nước đang đi vào vỡ nợ hay không. Nên trước mắt thì chưa phải lo về vấn đề đó."

"Gửi tiết kiệm vẫn hưởng lãi ít nhất 7%. Đồng đô la cũng mất giá nhưng từ đầu năm tới giờ cũng chỉ mất giá 3%. Nhà cửa đang lên giá. Chứng khoán lúc lên lúc xuống và hiện đang trong giai đoạn hồi phục. Giá vàng cũng tương đối ổn định. Cho nên với một nền kinh tế như thế thì tài sản của người dân hiện tại đầu tư vào các lĩnh vực trên thì tài sản tương đối ổn định, bền vững."

"Và nền kinh tế cũng chưa đi vào giai đoạn mà người dân cảm thấy gánh nặng nợ của quốc gia đè lên vai mình."

Tuy nhiên về mặt lâu dài, ông Hiếu nói "nếu thâm hụt ngân sách lớn thì nó đưa đến hậu quả là nợ quốc gia ngày càng nhiều. Nếu không kiểm soát được thì có thể dẫn đến vỡ nợ, như đã xảy ra với Venezuela".

"Nếu chính phủ tiếp tục vay nợ và bội chi ngân sách thì người dân không chỉ ở thế hệ này mà thế hệ sau sẽ phải trả cái giá rất cao."
'Áp lực trả nợ lớn'

Trong báo cáo gửi Quốc hội Việt Nam hồi trung tuần tháng Mười, Kiểm toán Nhà nước cho hay "xét về giá trị tuyệt đối, thâm hụt ngân sách năm nay nằm trong kế hoạch Quốc hội giao và thấp hơn 0,03% GDP về tỷ lệ, dù vậy vẫn tiềm ẩn những tồn tại trong cơ cấu nguồn thu, chi", theo VnExpress.

Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý mối lo áp lực trả nợ năm 2019 khá lớn dù nghĩa vụ nợ trực tiếp trên tổng thu ngân sách vẫn trong giới hạn cho phép.

Chỉ trong 8 tháng của năm 2018, Việt Nam đã ký thêm 10 hiệp định vay vốn, trị giá 1,13 tỷ đô la, theo VnEconomy.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra trong tháng này, so sánh trong ASEAN, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia, theo Vietnamnet.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2018 cũng tụt hạng, ở vị trí 77, so với 74 vào năm ngoái.
« PREV
NEXT »

No comments