Trong những ngày vừa qua, dư luận nhắc đến nhiều về vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, một Đại biểu thuộc đoàn của tỉnh Bến Tre trong quốc hội cộng sản Việt Nam. Vào ngày 31/10, ông Nhưỡng đặt thẳng vấn đề “vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%”.
Phát biểu của ông Nhưỡng đã không chỉ làm dậy sóng trong dư luận mà còn làm cho Bộ Công an “bối rối” khi những tồi tệ của công an bị phanh phui trước công luận. Đương nhiên Bộ Công an đã phản đòn bằng cách phê phán những nội dung đưa ra của ông Nhưỡng là không chính xác, sai phạm, đồng thời dùng bộ máy đảng để buộc ông Nhưỡng phải rút lại những phát biểu. Hiện nay ông Lưu Bình Nhưỡng bị áp lực phải “im lặng” cho đến khi Đảng uỷ Quốc hội ra quyết định đúng sai về nội dung phát biểu do Đảng uỷ Công an yêu cầu.
Dường như cuộc chiến của ông Lưu Bình Nhưỡng với Bộ Công an là không cân sức, theo dõi phản ứng của các đại biểu khác xoay quanh vấn đề này thì hầu như ít ai dám ủng hộ ông công khai. Ông Nhưỡng hoàn toàn cô đơn và lạc lỏng giữa Nghị trường.
Trước sự phản ứng gay gắt từ phía Bộ Công an, những điều ông Nhưỡng chất vấn Bộ Công an là đúng với thực tế diễn ra trong hoạt động của Bộ Công an hay không? Ông Nhưỡng vẫn khẳng định “Cái này có tiêu đề, báo cáo đàng hoàng chứ không phải tự tôi nghĩ ra. Những vấn đề này nằm trong cùng một hệ quy chiếu. Tôi không nhầm lẫn bất kỳ một số liệu nào.”
Có một sự thật, không thể phủ nhận là các cán bộ liêm chính, đàng hoàng thì không ai có thể “gắp lửa bỏ tay người” để tố cáo họ cả.
Hàng năm, khắp cả nước có hàng ngàn vụ tố giác tội phạm tham nhũng, cán bộ hành sách, thậm chí chỉ đích danh cán bộ khá nhiều, nhưng đều rơi vào quên lãng. Có một thực trạng là nhiều trường hợp những người tố cáo, dù đúng sự thật vẫn bị trù dập không thương tiếc, người bị tố cáo không mảy may ảnh hưởng, vẫn tại vị và thậm chí còn lên chức cao hơn.
Ở Việt Nam có tiền, có quyền lực sẽ chi phối được tất cả, dù những kẻ có quyền, tiền có vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng sự việc cũng sẽ bị chìm xuồng và rơi vào quên lãng theo năm tháng.
Tiếng nói của ông Nhưỡng cất lên giữa quốc hội chất vấn Bộ Công an vi phạm pháp luật như một giọt nước tươi mát cho người quốc dân đồng bào đang khao khát công lý. Nhưng, nó nhanh chóng bị bóc khói.
Người ta “phân vân” Quốc hội đã thay đổi, chuyển hóa rồi sao? Trong diễn đàn quốc hội, đại biểu có quyền nói lên tiếng nói độc lập?
Câu chuyện tại Nghị trường đã bị dập tắt, chấm dứt bởi bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị với việc cụ thể này hai đại biểu nên gặp nhau trao đổi để không mất thời gian của các đại biểu khác.
Trong cấu trúc quyền lực chính trị của thể chế độc tài đảng trị tại Việt Nam thì Bộ Công an được mệnh danh là lá chắn của chế độ, hay còn được gọi là chế độ công an trị. Thế nên bất cứ ai đụng chạm đến công an coi như tự chuốc họa vào thân. Có thể trong tương lai không xa ông Lưu Bình Nhưỡng sẽ được bị “dọn dẹp” bằng cách thức nào đó.
Thực tế trong con mắt người dân Việt hiện nay coi công an như một thế lực hung thần. Trên diễn đàn Trithucvn.net, một độc giả nói có gia đình truyền thống là công an viết rằng: “Gia đình tôi có rất, rất và rất nhiều người làm CA. và tôi cũng từng suýt nữa cũng vào học đại học CA. Nhưng sự thật, ngoài lòng tự hào về truyền thống gia đình tôi còn có nỗi đau do sự biến chất có tính hệ thống của ngành CA. Ngành CA ngày nay đã không còn xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân nữa. Nói đến CA là nói đến một cái gì XẤU XA và GHÊ TỞM, MAN RỢ và TÀN ÁC nhiều hơn là những điều tốt lành”.
Portland, OR 15/11/2018
Paulus Lê Sơn
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (trái) và Bộ trưởng Công an Tô
No comments
Post a Comment